CafeLand – Sau bài viết Thuế tiền lãi tiết kiệm: Có dễ “tận thu”?, rất đông độc giả và người trong ngành đã đưa ra hàng loạt ý kiến tranh luận sôi động. Để rộng đường dư luận, PV CafeLand đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng. Chuyên gia này đã có những chia sẻ khá thú vị.
PV: Thưa tiến sĩ, nếu đánh thuế lãi tiền gửi, liệu có ảnh hưởng tới nền kinh tế và lãi suất cho vay?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Tôi nghĩ là có. Khi người dân thấy bị đánh thuế trên tiền lãi gửi ngân hàng thì có thể họ sẽ giảm số tiền gửi đi, thay vào đó dùng tiền đó để kinh doanh những lĩnh vực khác như vàng, chứng khoán, bất động sản hay thậm chí ngoại tệ,… nên huy động vốn của các ngân hàng cũng như tín dụng vào nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, nếu Chính phủ có động thái đánh thuế thì người dân sẽ hạn chế gửi tiền và do đó các ngân hàng sẽ phải nâng mức lãi lên để giữ chân khách hàng hoặc để tăng thêm lượng vốn mới. Một khi lãi tiền gửi tăng lên sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng. Chính vì thế nó ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.
Do đó, đây là bài toán rất khó để chúng ta cân nhắc việc đánh thuế này cuối cùng liệu có lợi gì cho nền kinh tế và cho từng người dân không. Đây là điều mà Bộ Tài chính, Cục thuế và các cơ quan ban ngành cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, trên nguyên tắc công bằng và để hỗ trợ cho ngân sách quốc gia, tôi ủng hộ.
PV: Tiến sĩ ủng hộ?
Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất đánh thuế với các khoản tiền lãi từ tiền gửi ngân hàng bởi nó cần thiết.
Một khách hàng gửi tiền ở ngân hàng và được trả một khoản tiền lãi, thu nhập này cũng bình thường như tất cả các nguồn thu nhập khác như đầu tư, kinh doanh,… Do đó, trong khi tất cả các lĩnh vực khác đều bị đánh thuế thì việc đánh thuế lãi từ tiền gửi ngân hàng là điều hợp lý.
Các chính sách thuế phải dựa trên sự công bằng. Nếu tôi là một người dân có nhiều nguồn thu nhập tạo ra lợi nhuận thì đều phải chịu thuế. Không kể đó là từ kinh doanh hay cho người khác vay mượn,… tất cả những lợi nhuận đó đều phải tính thuế một cách công bằng. Thứ hai là tất cả mọi người dân đều chịu thuế. Trên thực tế, có không ít người giàu có nhiều tiền và mang đi gửi ngân hàng thu lãi hàng trăm triệu đồng một tháng nhưng không phải chịu thuế. Ngược lại, những cá nhân kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác thu nhập có lời thấp hơn nhưng vẫn chịu thuế là không công bằng.
Nếu đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm, người dân có thể giảm gửi tiền vào ngân hàng và chuyển sang kinh doanh vàng, chứng khoán, bất động sản,… Ảnh: Trần Phong
PV: Có không ít người cho rằng việc đánh thuế này sẽ xảy ra tình trạng thuế chồng thuế. Ông nghĩ sao?
Một số người còn cho rằng đây là việc đánh thuế gấp đôi, thuế chồng thuế. Tuy nhiên, tôi không đồng ý, vì thu nhập nhận được từ ngân hàng là thu nhập mới phát sinh và cần đánh thuế như những thu nhập khác.
Tuy nhiên, ở đây tôi nhấn mạnh là không phải đánh thuế trên tiền gốc gửi tiết kệm mà là đánh thuế trên khoản tiền lãi. Bởi tiền gốc là thu nhập có được từ những nguồn lợi khác và thu nhập này đã bị đánh thuế rồi, thành ra tiền gửi này không thể bị đánh thuế thêm một lần nữa.
Cách đây 4 năm đã có đề xuất đánh thuế trên tiền gửi ngân hàng. Thời điểm đó đã tạo nên sự tranh luận rất sôi nổi, trong đó, có nhiều ý kiến trái chiều và phần đông là chống lại. Vấn đề này hiện nay cũng đang gây nhiều tranh cãi trong xã hội, rất nhiều những ý kiến trái chiều và không đồng thuận. Đây cũng là điều dễ hiểu vì chúng ta chưa có tiền lệ và đang xem xét có nên hay không.
PV: Vậy, theo tiến sĩ đánh thuế mức bao nhiêu là phù hợp?
Theo tôi, ban đầu nên áp dụng thuế suất đồng đều khoảng 5% cho tất cả các khoản tiền lãi từ tiền gửi ngân hàng, không phân biệt kỳ hạn.
Trong tương lai, khoảng năm 2019, chúng ta có thể cân nhắc để đưa ra những chính sách thuế phù hợp hơn. Chẳng hạn như đánh thuế lũy kiến, tức người nào gửi càng nhiều tiền thì sẽ bị đánh thuế càng cao. Còn những người gửi ít sẽ chịu thuế thấp hơn.
PV: Tại các nước trên thế giới, việc đánh thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm được áp dụng như thế nào, tiến sĩ có thể chia sẻ ở một vài quốc gia từng biết?
Tôi là người từng sống và làm việc nhiều năm tại Mỹ và mỗi năm tôi đều phải đóng thuế trên tiền lãi nhận được từ ngân hàng. Thuế suất ở bên đó không phải rẻ với khoảng 20%.Tuy nhiên là tùy theo tổng mức thu nhập.
Ở Mỹ, hệ thống đóng thuế, đánh thuế và thu thuế rất tiện lợi do mỗi người dân đều có số an sinh xã hội dùng để đi học, mở tài khoản ngân hàng và đi đóng thuế. Các ngân hàng dùng số an sinh xã hội đó, mỗi năm họ báo về sở thuế số tiền lãi mà khách hàng gửi tiền là bao nhiêu. Do đó, việc trốn thuế trên tiền lãi gửi ngân hàng là điều khó xảy ra.
Chân thành cảm ơn tiến sĩ!