CafeLand – Theo đại diện Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM (NHNNTP), việc điều chỉnh sửa đổi Thông tư 36 của NHNH là phù hợp. Tuy nhiên, cần có lộ trình thực hiện (1 – 2 năm) tránh để xảy ra tình trạng rủi ro chính sách và gây khó khăn cho hoạt động của các ngân hàng.
NHNNTP vừa có công văn phản hồi kiến nghị của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) về cơ chế chính sách sửa đổi bổ sung đối với dự thảo Thông tư 36 liên quan đến hoạt động cho vay tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. NHNNTP cho rằng, đây là thuộc thẩm quyền của NHNN nên NHNNTP sẽ báo cáo kiến nghị của HoRea để NHNN xử lý. Tuy nhiên,NHNNTP cũng có ý kiến cho rằng:
Việc NHNN đưa ra dự thảo sửa đổi nội dung trên nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động cảu hệ thống ngân hàng, hạn chế rủi ro do tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như lĩnh vực bất động sản. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững. Bài học về tăng trưởng tín dụng nóng, tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản những năm qua vẫn còn nguyên giá trị. Hiện nay, vấn đề nợ xấu đang là mối quan tâm giải quyết của hệ thống ngân hàng và Chính phủ.
Thực tế các chỉ số điều chỉnh trong dự thảo Thông tư 36 là phù hợp với thông lệ quốc tế. Các chỉ số hiện nay (tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn 60% và tỉ lệ trích lập dự phòng 150%) là các tỉ lệ cho giai đoạn khó khăn vừa qua, nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng, cũng như tạo điều kiện cho thị trường phục hồi. Hiện nay, thị trường đã dần phục hồi ổn định nên cần có những điều chỉnh để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng, gián tiếp tạo sự ổn định cho nền kinh tế vĩ mô trong những năm tiếp theo.
Do đó, NHNNTP cho rằng, sự điều chỉnh sửa đổi Thông tư 36 của NHNH là phù hợp. Tuy nhiên, cần có lộ trình thực hiện (1 – 2 năm) tránh để xảy ra tình trạng rủi ro chính sách và gây khó khăn cho hoạt động của các ngân hàng.
Trước đó, việc NHNN lấy ý kiển bổ sung sửa đổi dự thảo Thông tư 36 đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng doanh nghiệp bất động sản.Theo nội dung sửa đổi Thông tư 36 sẽ giảm trần sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40% và tăng hệ số rủi ro từ 150% hiện nay lên 250% đối với nhóm tài sản thuộc các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nếu Thông tư 36 được sửa đổi theo hướng này sẽ là cú sốc đánh gục thị trường bất động sản vừa mới trong giai đoạn phục hồi. Do dó, HoREA đã có văn bản kiến nghị sửa đổi Thông tư 36 theo hướng điều chỉnh tỷ lệ vốn vay ngắn hạn cho vay trung hạn dài hạn xuống 50% thay 40% và điều chỉnh đưa các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 150% như hiện nay thay vì 250% như dự thảo Thông tư đang xây dựng. HoRea cũng kiến nghị và quy định thời điểm có hiệu lực vào năm 2017 để các doanh nghiệp, ngân hàng có thời gian thích nghi chuẩn bị tránh cú sốc đột ngột cho thị trường.
Trong một phát biểu mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, việc điều chỉnh Thông tư 36 là cần thiết tuy nhiên NHNN sẽ hết xem xét hết sức thận trọng để không gây khó khẳn và ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp cũng như hoạt động của thị trường bất động sản.
Nguồn: CafeLand